Là phim đầu tay của đạo diễn Hồng Sến, phim dựa theo tiểu thuyết Mùa Gió Chướng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là cuốn tiểu thuyến nổi tiếng đương thời mô tả tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam chống lại sự đàn áp, ý đồ dời dân lập ấp của kẻ địch. Cuộc đấu tranh đó đã trải qua biết bao gian nan, thử thách, biết bao hy sinh mất mát. Phim được lồng tính sử thi hoành tráng chen lẫn với nét lãng mạn trữ tình giữa những cánh đồng mênh mông nước và tình yêu lứa đôi thời bấy giờ.
Mùa gió chướng năm ấy, trên cánh đồng nước mênh mông, có hai chiến sĩ quân giải phóng được trên cử về công tác tại một địa phương ở miền Tây Nam bộ. Tại đây Châu gặp và làm quen với cô giao liên xinh đẹp Bé Ba (Thúy An) để rồi ngày qua ngày giữa hai người hình thành một tình yêu sâu sắc.
Năm Bờ cũng vui mừng gặp lại người yêu là Sáu Linh (Thùy Liên) chỉ huy du kích tại địa phương. Tuy nhiên, niềm vui của họ chưa thật sự trọn vẹn vì cả hai phải chuẩn bị bắt tay vào cuộc chiến đấu chống càn của địch trong kế hoạch dồn dân lập ấp, tát nước bắt cá khiến cho cách mạng không còn có thể dựa vào nhân dân mà tồn tại.
Đại biểu cho lực lượng chống phá cách mạng là đại úy Long (Lý Huỳnh). Long thuộc gia đình địa chủ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Vốn mâu thuẫn sâu sắc với cách mạng do bản chất giai cấp, Long điên cuồng diệt cộng, tích cực tổ chức các cuộc hành quân càn quét để không cho cách mạng có điều kiện thuận lợi bám rễ trong dân.
Trong trận càn ác liệt đó, Châu đã hy sinh để lại nỗi đau trong lòng Bé Ba và sự thương tiếc ở bà con. Sáu Linh may mắn thoát được đại úy Long phát hiện nhờ vào sự che chở và bảo bọc của dân làng. Tuy nhiên, sau cuộc chiến không cân sức đó, dân cũng bị địch lùa đi. Sáu Linh tiếp tục được sự chở che của bà con, cải trang qua mắt kẻ địch mà trà trộn vào tận ấp để chỉ đạo cơ sở hoạt động trước sự theo dõi gắt gao của bọn tay sai mật vụ, thiên nga.
Sau đó Năm Bờ bị bắt giữ trong một lần bị bố ráp, dấy lên làng sóng căm phẫn chống lại kẻ địch, được sự hậu thuẫn của một số phần tử phản chiến, Sáu Linh cùng các chiến sĩ và bà con đột nhập được vào nhà bắt sống đại úy Long, buộc hắn phải thả Năm Bờ và tuyên bố đầu hàng cách mạng.
Trong niềm vui giải phóng, người ta thấy đại úy Long cúi mặt xấu hổ trước hạnh phúc đoàn viên của nhân dân nói chung và của Sáu Linh- Năm Bờ nói riêng.
Ở Mùa gió chướng, ngay những khung hình đầu tiên, khán giả sẽ bị cuốn hút bởi cánh đồng nước mênh mông nơi đó hai chiến sĩ du kích đang trầm mình trong nước, núp sau những thân cây tràm để tránh máy bay trực thăng đang treo lơ lửng trên đâu. Song có lẽ thú vị nhất, đậm đà và gợi cảm nhất là trường đoạn Châu gặp Bé Ba tại trạm giao liên trên đồng nước. Ở đây kết hợp được sự hoành tráng của thiên nhiên trong mùa nước nổi mênh mông với chất thơ dung dị được khơi gợi từ các chi tiết tạo hình của bối cảnh và nhất là của đôi trai gái đang xuân hồng phơi phới. Cảnh hai người đùa giỡn trong đầm sen là một trong những cảnh đẹp của bộ phim.
Đặc biệt ở Mùa gió chướng, Hồng Sến đã thành công khi mô tả hình ảnh của người nông dân Nam bộ mà ông quá đỗi thương yêu qua hình tượng ông Tám Quyện. Bộ ba Nguyễn Quang Sáng- Hồng Sến- Lâm Tới (nhất là Lâm Tới) đã làm lay động trái tim khán giả chỉ với trường đoạn ông Tám Quyện bị chôn sống- một phân cảnh diễn xuất kinh điển!.
Giải Thưởng:
Trong liên hoan phim Việt Nam lần thứ V (1980) tổ chức tại Hà Nội, bộ phim Mùa gió chướng đã được trao giải Bông sen Bạc.
Diễn viên Lâm Tới đoạt giải diễn viên nam khá nhất (vai ông Tám Quyện).
Diễn viên Thùy Liên đoạt giải diễn viên nữ khá nhất (vai Sáu Linh và Bảy Hạnh trong Tình đất Củ Chi).
Quay phim Đường Tuấn Ba đọat giải quay phim khá nhất (cùng với cộng tác quay phim ở phim Cánh đồng hoang).
Diên viên Lý Huỳnh được Hội điện ảnh Việt Nam tặng bằng khen (vai đại úy Long).
Ngoài ra, Mùa gió chướng còn nhận được bằngkhen của Tổ chức Giải Phóng Palestin (PLO) tại Liên Hoan Phim Ả Rập và Châu Á tổ chức tại Damas (Syrie) năm 1979.
Đạo diễn: Hồng Sến
Diễn viên: Lâm Tới, Thúy An, Lý Huỳnh, Thùy Liên